Năm 2018, mừng kỷ niệm 30 năm các vị Tử Đạo tại Việt Nam được nâng lên
hàng hiển thánh và kỷ niệm 70 năm Legio Mariae Việt Nam, là dịp để chúng ta nhìn về
tương lai, tìm cách phát huy những di sản cha ông để lại, hướng tới vụ mùa, gặt hái
thành quả từ những gì người xưa đã gieo trồng. Nhân ngày lễ Acies sắp tới, tôi xin được
chia sẻ đôi điều, mong được anh chị em hội viên Legio Mariae và các linh giám khắp
nơi cùng suy tư nhằm gia tăng hiệu năng cho hoạt động tông đồ dưới lá cờ Đức Mẹ.
Tôi đảm nhận vai trò linh giám Comitium Qui Nhơn vỏn vẹn chưa được ba năm
rồi đã nghỉ cách nay hai năm. Tôi vừa học nghề vừa phục vụ. Vào Sài Gòn tìm gặp anh
Trưởng Senatus hỏi han, tôi được anh giới thiệu đến nhà xứ Tân Định thăm cha GB. Võ
Văn Ánh, vị linh giám đã từng lặn lội sang Hàn Quốc tìm hiểu về Legio Mariae ở đó.
Ngài cho biết tại Hàn Quốc, Legio giữ vai trò quan trọng trong công cuộc truyền giảng
Tin mừng những thập niên qua. Các hội viên Legio đến tận các gia đình dạy giáo lý cho
các dự tòng, chăm sóc các gia đình tín hữu mới. Họ có nhiều sáng kiến mới mẻ, nhiều
hoạt động nổi bật, kể cả quản trị một Trường Đại học.
Về lại Qui Nhơn, tham dự các buổi họp Comitium hằng tháng, mọi chuyện khác
hẳn. Các bản phúc trình định kỳ của các Curiae lần nào cũng tập trung vào số lượng giờ
công tác với một bản danh mục 48 hoặc 49 công việc cho người lớn và 17 công việc cho
Junior (x. legiomariaevn.com, Phúc trình định kỳ mẫu A1-2017 và mẫu B1-2017).
Các vị hữu trách Comitium (hoặc từ Regia) thường mất khá nhiều giờ nói đi nói
lại về các mục công tác ấy.
Hình như đối với nhiều hội viên, toàn bộ Thủ bản được tóm lại nơi biểu mẫu công
tác ấy. Họ chẳng quan tâm tìm hiểu xem đâu là tinh thần của Thủ bản, chỉ bận tâm tới
một biểu mẫu công tác không hề được nói tới trong Thủ bản.
Chương 37 của Thủ bản, tựa đề “Khuyến dụ về công tác”, gồm 18 mục. Danh
mục công tác trong các biểu mẫu trên đây chỉ mới chạm đến 7 mục (1. Việc tông đồ
trong giáo xứ; 2. Thăm gia đình; 3. Tôn vương Thánh Tâm trong gia đình; 5. Thăm
bệnh viện, cả bệnh viện tâm thần; 6. Chăm sóc người cùng khổ và người bị bỏ rơi; 14.
Tuyển mộ và chăm sóc tán trợ; 15. Công tác truyền giáo).
Có 2 mục ta có chạm đến phần nào (7. Làm việc cho giới trẻ - tức là lo mục vụ
giới trẻ; 18. Tùy nhu cầu từng địa phương).
Còn lại 9 mục hầu như ta chưa chạm gì tới (4. Kiểm tra gia đình trong giáo xứ;
8. Xe sách lưu động; 9. Tiếp xúc với đám đông; 10. Quan tâm đến các em Công giáo ở
mướn; 11. Giúp binh sĩ và thủy thủ; 12. Việc truyền bá văn chương công giáo; 13.
Khuyến khích việc dâng lễ hằng ngày và sùng kính Thánh Thể; 16. Dự cấm phòng kín;
17 Hoàn toàn chay tịnh vì Thánh Tâm).
Một câu hỏi:
Tại sao có đến 9 mục ta chưa chạm gì tới, và bao nhiêu năm qua tại Việt Nam
cũng chẳng thấy ai nhắc gì tới?
Một câu hỏi thường được lặp lại trong các buổi họp Comitium là làm điều này hay
điều nọ có được tính “giờ công tác” hay không.
Thật tình, từ ngày quen biết Legio Mariae (khi còn là chủng sinh đi giúp xứ) tôi
vẫn ngạc nhiên tự hỏi tại sao đi làm việc tông đồ lại “tính giờ công tác”, đang khi Chúa
dạy “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3)?
Chúa đã bảo những kẻ “phô trương cho thiên hạ thấy thì... đã được phần thưởng
rồi” (Mt 6,1-2), liệu chừng việc tính giờ như thế có khiến mọi chuyện trở thành công
cốc trước mặt Chúa?
Tôi đã tò mò lục tìm xem Thủ bản nói gì về “giờ công tác”. Trong Thủ bản có
214 chữ giờ và 216 chữ công tác nhưng chỉ một lần duy nhất hai chữ này đi liền với
nhau, đó là khi nhấn mạnh các chủng sinh ở Chủng viện muốn tham gia Legio thì phải
cố gắng học Thủ bản:
“Học hỏi Thủ Bản là điều cần phải chú trọng. Tối thiểu phải bỏ ra một giờ công
tác tích cực” (số lề 383).
Thủ bản không nói gì về “giờ công tác”, cũng không hề liệt kê danh mục tỉ mỉ các
công tác như trong hải biểu mẫu nói trên.
Vậy thì những khái niệm này ở đâu ra?
Tôi giúp Comitium Qui Nhơn vào đúng thời điểm Đức Giám mục Giáo phận kêu
gọi các giáo xứ thành lập Legio Mariae. Tôi có nhiều cơ hội theo dõi bước đầu hình
thành của các praesidia mới. Qua đó có thể tôi đã gặp một thực tế lý giải được khá chính
xác cho vấn nạn nêu trên.
Tổ chức Legio Mariae lần đầu tiên ra mắt Giáo hội Việt Nam tại Nhà thờ Hàm
Long ngày 12-8- 1948 dưới thời Cha sở Giuse Maria Trịnh Như Khuê. Chính ngài chủ
xướng hay ai khác, tôi không rõ. Tuy nhiên tôi có thể hình dung ra điều gì đã xảy ra
trong những ngày thuở ban đầu ấy. Hẳn hồi đó người ta cũng đã làm như chúng tôi đang
làm cho những xứ mới lập Legio trong Giáo phận. Để bắt đầu mọi sự từ số không, từ
chỗ chưa ai trong Giáo xứ biết gì về Legio, muốn từ “nước lã vã nên hồ”, người ta đã
nghĩ ra một cách thực hành thật giản dị để bất cứ ai thiện chí trong Giáo xứ cũng đều
làm được. Cái giản dị ấy là làm như sổ kho thiêng liêng của các cháu Thiếu Nhi Thánh
Thể. Hẳn người chủ xướng hồi năm 1948 những mong rằng khi những người tham gia
đã có được khái niệm về tông đồ giáo dân với chút kinh nghiệm sơ khởi rồi thì mọi sự sẽ
dần dần tiến xa hơn. Thế nhưng thời cuộc đã biến chuyển dồn dập, khiến người ta quên
mất việc phải có lúc giúp hội viên vượt qua giai đoạn “làm nháp” và chuyển sang giai
đoạn “làm thật”.
Ấy là tôi suy đoán vậy, còn phải được những vị nắm vững lịch sử kiểm chứng và
soi sáng thêm cho vấn đề. Dù sao, nguyên nhân có thế nào đi nữa, cũng đã đến lúc
không cần dùng tới “sổ kho” của các em thiếu nhi nữa.
Đã đến lúc ta cần đào sâu Thủ bản hơn chứ không thể chỉ đọc chiếu lệ như hiện
nay.
Cần tiếp tục công việc của cha sở Tân Định, cử người đi Hàn Quốc tìm hiểu học
hỏi để bắt kịp các yêu cầu của Thủ bản. Cũng cần nghĩ đến nguồn năng lực trẻ ngay tại
Việt Nam để có được một sự chuyển mình thích hợp với hoàn cảnh, đáp ứng đúng nhu
cầu của cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam chứ không phải của nơi khác.
Xin mở một dấu ngoặc: Chính việc dừng lại mãi với cái “sổ kho” của thiếu nhi
mà Legio Mariae tại Việt Nam đánh mất đội ngũ trẻ.
Ta tổ chức các đội Junior là để chuẩn bị người cho tương lai. Thế rồi việc ấy đi về
đâu?
Có được mấy phần trăm hội viên Junior trở thành hội viên Senior? Rất nhiều bạn
Junior hết sức nhiệt thành nhưng khi bước chân lên Đại học, chẳng thể nào tiếp tục 17
mục công tác của các em nhỏ cũng không sao theo được 48 mục công tác của người lớn
nên đành bỏ cuộc. Họ trở thành những “cựu Junior”, dịch sát nghĩa ra là những “cựu
thiếu niên của Đức Mẹ nay đã lớn”
mà chẳng bao giờ có cơ may trở nên “những người con trưởng thành của Mẹ”!
Trong thời gian làm linh giám, tôi đã lục tìm địa chỉ các “cựu thiếu niên của Đức
Mẹ nay đã lớn” xuất thân từ thành phố Qui Nhơn hiện đang đi học tại Sài Gòn để qui tụ
thành một praesidium và nhờ một vị trong Senatus chẳm sóc. Buổi đầu rất hào hứng
nhưng rồi chẳng được bao lâu, vì cả thầy lẫn trò đều thấy mình dường như không được
phép vượt ra khỏi khuôn khổ.
Có một nữ tu trợ úy đã khơi mở cho các bạn sinh viên Hà Nội những hướng công
tác rất mới trong môi trường đô thị và đại học. Sáng kiến của chị làm nức lòng những
bạn tông đồ trẻ tuổi nhiệt thành. Thế nhưng chưa có ai tiếp nối hướng đi của chị.
Cần mời gọi sự nhập cuộc của các bạn trẻ. Đó đây hiện có những cựu Junior đã
thành đạt trên đường học thuật. Cũng có những cựu Junior hiện đang là tu sĩ, là chủng
sinh, là linh mục.
Nếu ta mời gọi họ đầu tư nghiên cứu đào sâu Thủ bản để cống hiến cho công
cuộc Legio tại Việt Nam những nét mới mẻ thật vững vàng, hẳn nhiều người trong số đó
sẽ tích cực hưởng ứng.
Nếu ta vận động sinh viên các Học viện Thần học và các Đại Chủng viện tại Việt
Nam, hẳn cũng không thiếu những người nặng tâm huyết với đại cuộc Tin mừng, đồng
cảm với Legio Mariae, sẽ chú tâm và bỏ công sức nghiên cứu.
Cụ thể nhất, muốn sớm gột bỏ được não trạng “làm tông đồ để tính giờ công
tác” như thiên hạ ngoài đời vẫn “làm để khai báo thành tích”,
những anh chị đang giữ vai trò điều hành tại các Giáo phận nên rủ nhau dành thời
giờ thực hiện cho chính mình những tuần tĩnh tâm như được nói tới ở mục 16 chương
37 của Thủ bản.
Sau cùng, mọi sự sẽ kết quả nhanh hơn và vững hơn nếu như Legio Mariae có
được sự quan tâm trực tiếp của một Ủy Ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt
Nam.
Qui Nhơn, Thứ Sáu Tuần Thánh 2018
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét