Lễ
hội bánh chưng qua hành trình từ những hạt nếp
(Viết
theo gợi ý của Linh mục Trần Ngọc Tân)
Ngày
Hè, kể chuyện bánh chưng
Đậu
vàng, nếp bạc vui chung cộng đoàn
Trời
Melbourne đang mùa nắng Hạ, nắng chang chang, mặt trời gay gắt chiếu xuống trần
gian những tia nắng chói. Nắng như có lửa, nóng, có những ngày nóng, rất nóng! Cái
nóng khiến cho những ai không có việc gì cần thiết đều muốn ngồi yên trong nhà
cho khỏe người. Những cơn mưa mùa này hình như cũng sợ nắng hay sao mà trốn đâu
mất! Trong cái nắng Hạ đó, Người Việt Nam ở Úc không quên cùng hướng về quê
hương để đón mùa Xuân “tréo cẳng ngỗng,” Xuân ở trong nắng Hè! Lác đác tiếng
pháo tết đã nổ dòn đâu đó ở các hội chợ tết.
Tết,
nói đến Tết theo phong tục cổ truyền Việt Nam không thể thiếu bánh mứt và hoa
tươi, mà nói tới bánh thì không thể thiếu đòn bánh tét dài dài, và nhất là tấm
bánh chưng vuông vức hiện diện trong mọi nhà, từ thành thị đến nông thôn, từ
trong nước truyền qua đến hải ngoại, nơi nào có Người Việt Nam sinh sống thì
nơi đó có Tết và có bánh chưng. Không kể đến sang, hèn, giầu, nghèo nhà nào hầu
như cũng có tấm bánh trong nhà để đón tết, mừng Xuân.
Theo
truyền thuyết từ đời các vua Hùng để lại, bánh dầy tượng trưng cho trời, và bánh
chưng tượng trưng cho đất. Những tấm bánh được làm ra sau những ngày mùa vất vả
để tạ ơn trời đất sau một năm qua đi. Bánh chưng hay bánh dầy đều được dùng
nguyên liệu chính là nếp, cộng nhân đậu xanh với thịt và thêm vài phụ liệu làm tăng
các hương vị đặc trưng, làm cho chiếc bánh thêm đậm đà hợp với khẩu vị của nhiều
người. Bánh chưng cũng dễ làm nên nhiều nhà tự gói một vài chục tấm để ăn, hay mỗi
nhà mấy tấm chung với nhau một nồi nấu, hoặc giả có nhà gói nhiều để bán cho những
người không có điều kiện, không có thời gian để làm. Vậy để có đồng bánh chưng,
người ta phải làm như thế nào nhỉ? Nhân dịp Tết sắp đến, qua sự gợi ý của Linh
mục quản nhiệm Trần Ngọc Tân, nói Mõ thử viết một bài kể về hành trình của hạt
nếp để thành một tấm bánh chưng. Lại thấy Mõ cũng hay xớ rớ đến Vinh Sơn Liêm
dòm dòm, ngó ngó, nháy nhó, anh Lê Hải hỏi Mõ có viết bài nào về bánh chưng cho
số báo Xuân không? Nên Mõ cũng cố gắng quan sát tại lễ hội bánh chưng Vinh Sơn
Liêm đang tưng bừng vào mùa gói bánh chưng năm nay cho cộng đồng ăn tết để viết
bài này.
Đúng
là bánh chưng dùng nếp để làm, để nấu. Nhưng để từ hạt nếp trở thành tấm bánh
không ngờ nó lại nhiều công việc phải làm như vậy. Ông Lê Văn Miện, người phụ
trách chung cho lễ hội bánh chưng Trung tâm Vinh Sơn Liêm đã liệt kê ra tới 25
công việc để hình thành một tấm bánh. Vậy nên Mõ không biết mình phải bắt đầu từ
đâu bây giờ, vì trước khi người ta có đủ nguyên liệu để đứng gói bánh, thì người
phụ trách đã bỏ ra bao nhiêu công để chuẩn bị: nào mua lá, mua nếp, mua đậu,
mua hành, mua thịt, mua mắm, mua muối, mua giây, làm khuôn, chuẩn bị nồi nấu, củi
lửa, chỉ kể sơ sơ nghe chừng như đã mệt rồi.
Ở
Việt Nam, người ta có loại lá dong và giây lạt để gói bánh dễ dàng lắm, nhưng ở
Úc, loại lá này không có, nên những nhà gói bánh phải dùng loại lá tre. Lá tre
họ hái xong mang sấy khô, thật khô, đóng gói trong bao nylon bán ở Úc, mà lá
tre này chỉ dành cho người Việt mình dùng gói bánh chưng thay cho lá dong (gọi
là bánh chưng kiểu Úc nhỉ). Đương nhiên là do không có lá dong nên phải dùng
cái loại lá tre vừa cứng, vừa nhỏ này để gói bánh. Trước khi gói bánh, việc
chuyển hóa cái lá tre khô khẳng cứng còng kia trở về mềm mại cũng khá vất vả,
nào cắt cuống lá, ngâm cho lá ngấm nước rã bụi đất nếu có, rồi mang luộc để chiếc
lá mềm hơn, cắt đầu lá cho vừa với khuôn, lau lá cho sạch, gấp lá, tỉa cho vào
khuôn để gói bánh.
Nếp
được vo đi vo lại cho hết cám, ngâm trong nước sạch để qua đêm, vớt để cho ráo
nước xong mới đong đếm cho đúng số lượng cần cho một tấm bánh, muốn bánh có mầu
xanh mầu lá thì trộn chút màu xanh lá dứa. Đậu làm nhân thì được nhặt sạn kỹ
càng trước khi hấp chín, để nguội. Thịt nhân cũng được cân đong theo cân lượng
để không nhiều quá ăn ngán, ít quá thì không ngon.
Khuôn
cũng được đóng đúng với kích thước, vuông vức, vừa phải, trông cân xứng. Có đủ
những thứ nguyên liệu kể trên rồi, người gói bắt đầu làm việc theo thứ tự: đặt
sợi giây cột bên dưới cái khuôn, xếp bốn cái lá góc cho khéo theo mặt trái phải,
sao cho mặt trên của mặt chiếc bánh có cạnh vuông vuông, xinh xắn, xếp lá độn
xung quanh, độn thêm lá góc cho bánh khỏi bể khi nấu, một chiếc bánh cũng phải
mất từ 24 tới 30 cái lá tre mới an toàn cho chiếc bánh đẹp. Sau khi thấy lá xếp
đã đủ kỹ, dùng một lon nếp thứ nhất đổ vào khuôn lá dùng tay dàn đều và nhấn chặt
các góc khuôn cho nếp đều khắp, vuông bánh, dùng khuôn nhân vuông nhỏ hơn đặt
chính giữa rồi lấy hộp đựng nhân cũng đã được cân đong cẩn thận, một lon đậu
trước, rồi thịt, rồi tiếp một lon nhân đậu, cũng dàn ra cho đều, sau đó lấy
khuôn nhân ra, dùng lon gạo thứ hai đổ khéo chung quanh để giữ làm sao cho nhân
không bị tràn ra ngoài lớp nếp, rồi còn bao nhiêu nếp đổ tràn đều bên trên lớp
nhân cho kín, cũng dàn đều rồi bẻ các mép lá xuống theo thứ tự, vuông vắn, khi
các lá đã nằm êm, dùng tay đè chặt, xong lấy khuôn ra, bắt đầu cột giây ngang,
dọc từ giữa ra ngoài, không lỏng quá và cũng đừng chặt quá, vì lỏng thì lá sẽ
bung ra, mà chặt quá, khi nấu nếp nở ra làm rách lá. Đặc biệt, giây cột bánh
phía ngoài phải đan xéo chắc chắn để giây không bị tuột khi vớt bánh. Thấy chưa,
Mõ mới tả có phần gói bánh mà đã muốn hụt hơi rồi.
Khi
đã đủ số bánh cho một nồi nấu, người ta mới chuẩn bị xếp vào nồi, cái vụ xếp
bánh vào nồi này tưởng dễ, nhưng cũng đòi hỏi chút kinh nghiệm, không được xếp
lỏng quá, và cũng không được chặt quá, xếp làm sao cho nước khi sôi dễ dàng lưu
thông đều khắp từ trên xuống dưới nồi để bánh chín đều. Khi bánh đã được xếp
xong, đổ nước ngập trên bánh chừng 15 phân cho các tấm bánh phía trên cũng ngập
chìm trong nước, để bánh chín đều, sau đó mới nhóm bếp. Bên này họ thường dùng
bếp khò gas để nấu, giúp cho người coi phần ‘khói lửa’ bớt đi sự vất vả của những
người nấu bánh bằng củi. Vì bếp khò gas rất đều lửa, nên chỉ còn phải canh nước,
nếu nước thiếu phải châm thêm để phần bánh phía trên luôn có nước sôi đầy đủ. Một
nồi bánh chắc ăn phải nấu từ 6 tới 8 giờ kể từ khi nước bắt đầu sôi.
Khi
xác định bánh đã chín, tắt lửa bếp, sau đó múc nước trong nồi cho cạn bớt, rồi
dùng móc, móc những chiếc bánh nóng hổi từ trong nồi ra cho vào những thau nước
sạch, dùng khăn lau cho sạch mỡ màng hai hay ba lần tùy theo mức mỡ bọt nhiều
ít. Lau xong chuyển qua để nước ráo, rồi chuyển tiếp đến bàn ép. Sau một đêm,
nước đã khô và bánh nguội, chắc lại, là lúc bánh đã có thể ăn được. Bóc lớp vỏ,
cắt tấm bánh chắc nịch, xanh xanh mầu lá, bên trong nhân vàng vàng mầu đậu điểm
chút nâu nâu của thịt trông cũng bắt mắt, những hạt nếp dẻo mà rền ăn vừa ngầy
ngậy, ngon ngon. Ăn bánh chưng đã ngon, mà ăn bánh chưng kèm với củ kiệu, dưa
hành, giò thủ, dưa món nữa thì tuyệt cú mèo.
Ngày
tết, nhớ câu đối:
Thịt
mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây
nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Ở
xóm Mõ ngày nhỏ, có ông hàng xóm, khi tết về lại ngâm nga theo kiểu khác để tự đùa
rằng:
Thịt
mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh, không gạo! Vợ lừ chồng.
Năm
nay tại Trung tâm Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm, và các cộng đoàn
Saint Margaret Mary, Hoan Thiện đều có lễ hội bánh chưng, Thấy lễ hội nào cũng thật
vui, lễ hội bánh chưng VSL. có mấy năm rồi. Hỏi rằng gói bánh chưng bán có lời
không? Mõ thưa ngay, nếu tính toán kỹ theo người làm kinh tế thì không có lời.
Vì làm ra chiếc bánh như Mõ vừa kể trên mất nhiều công quá. Nếu như họ chuyên
nghiệp mà làm thì còn nhanh, đàng này toàn những người thiện nguyện tới giúp,
có những cụ cả trăm tuổi và có cả những em bé theo ông bà đến giúp các phần việc
phụ. Chưa kể phần phục vụ nấu ăn cho hằng mấy chục người, để có những bữa cơm tập
thể đông vui.
Nhưng
nói về mặt tinh thần thì các cộng đoàn lời thật nhiều, lời vô giá, vì khi được nhìn
các ông, các bà đến phục vụ thật đông đảo, với nét mặt mà ai cũng tươi vui.
Quanh bàn làm việc, những câu chuyện xưa, chuyện nay, người già kể lại, truyền
cho người trẻ nghe, đúng là lễ hội. Lễ hội giúp cho Cộng đoàn có những sinh hoạt
cuối năm thật vui, mà đúng là vui như tết, tiếng cười cứ mãi vang vang. Mọi người
trong cộng đoàn được ví như những hạt nếp rời rạc trắng bạc kia, đến bên nhau, qua
mùa lễ hội, được những đôi tay vàng khéo léo làm cho họ nở ra những bông hoa
yêu thương, những tinh anh phục vụ vì người khác, tiết ra chất keo dẻo để kết
chặt cùng nhau, làm thành tấm bánh thơm tho đậm ân sủng dâng lên tổ tiên, ông
bà. Và nhất là được dâng lên Thiên Chúa như lời cảm tạ, vì Người đã ban cho mọi
người trong cộng đoàn năm vừa qua được an bình, hạnh phúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét