Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

18/1/15. Kỷ niêm đời làm lính của Nữ Vương Maria. Thuỵ Miên.

Theo lời đề nghị của người giữ cửa của trang nhà.
Anh Thuỵ Miên thuộc Đơn vị Nữ Vương Mân Côi.
Đã gửi cho bài viết, chúng tôi xin post lên để anh chị em cùng đọc.



Kỷ niệm đời làm lính của Nữ vương Maria


Những người lính của Mẹ Maria cũng bị thời cuộc 1975, làm cho tan rã và phân tán đi khắp nơi trên thế giới. Trong đó có tôi, sau hơn 8 năm phục phục quân ngũ, dưới lá cờ của Trinh Nữ Maria. Chúng tôi được lệnh cấm hội họp, vì đòan thể chưa đăng ký và chưa có phép. Thật vậy, làm thế nào mà có  phép cho được, khi những người lính như chúng tôi là cán bộ truyền giáo thuộc loại gạo cội. Những bài nói chuyện về lý thuyết vô thần mà chúng tôi đã được các bậc đàn anh hướng dẫn, cộng thêm những nghiên cứu qua sách vở về lý thuyết Cộng sản mà chúng tôi đã học được qua thư viện, nhà trường, đã làm hành trang sống đạo của chúng tôi ngày một phong phú hơn. Sống với Phúc Âm, sống với tha nhân, sống với chính mình, kết hợp với Mẹ Maria và Đức Chúa Thánh Thần để chiến đấu với kẻ thù là chính mình và ma quỷ từng giây từng phút của đời mình. Phục vụ Thiên Chúa qua gia đình, giáo xứ và xã hội, để mở mang Nước Chúa nơi trần gian này.
Tôi gia nhập vào lúc tuổi ở giữa ngã ba đường đời. Hồi ấy, sau khi tốt nghiệp bậc trung học. Tôi còn phân vân không biết chọn cho mình một hướng đi như thế nào cho tương lai: Đi tu hay đi đường đời. Cũng may trong giáo xứ thuở ấy có một đơn vị Đạo binh Đức Mẹ, về sau tôi mới biết tiểu đội ấy mang tên “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Một hôm tôi tình cờ đi ngang qua một lớp tiểu học của giáo xứ, nằm cạnh bên phải của thánh đường. Tiếng đọc kinh mân côi của nhiều người, tiếng đàn ông, đàn bà, giọng già, giọng trẻ hoà quyện lẫn vào nhau và vang vọng ra bên ngòai, qua lỗ hở của cánh cửa sổ cũ kỹ, đã làm tôi thêm tò mò tiến lại gần cửa sổ để nhìn cho rõ hơn. Tôi bỗng giật nẩy mình và cố dán đôi mắt mở thật to để nhìn qua khe cửa sổ. khỏang hơn 10 người gồm đàn ông, đàn bà ,và nhất là lại có cả người tôi từng yêu thầm trong qúa khứ tuổi thiếu niên. Nhìn họ như những thiên thần đang qùy nghiêm trang chung quanh cái bàn trải khăn trắng, phía đầu bàn có trải thêm một khăn trắng nhỏ có thêu chữ “LEGIO-MARIAE” màu xanh da trời. Khuôn mặt của mọi người trông thật đẹp, và nhất là cái người mà tôi từng yêu thầm, nhớ trộm lại càng đẹp hơn. Sau này tôi mới hiểu ra, khuôn mặt của con người đẹp nhất là lúc đang cầu nguyện, còn lúc khác chỉ là đẹp bình thường mà thôi. Tôi còn đang mải mê ngắm nhìn, thì chợt một bàn tay chạm nhẹ vào vai tôi, với tiếng nói của người đàn ông.
-       Mời anh vào để cùng cầu nguyện với chúng tôi.
-       Dạ. Tôi ấp úng trả lời, vì tôi như người ăn trộm bị bắt gặp.
Sau này tôi mới biết ông ta là “anh Tế”. Ông là phó của tiểu đội, vì bận việc gia đình nên đi họp trễ. Tôi ngượng ngùng bước theo anh vào phòng họp, và sau giờ đọc kinh chung. Anh Tế đã giới thiệu tôi với mọi người là vừa tuyển mộ được tôi vào đơn vị như là một hội viên tập sự. Tôi thầm cám ơn anh, vì anh đã không nói lý do nào anh gặp được tôi. Trong giáo xứ nhỏ ấy có độ 500 gia đình công giáo. Mọi người trong xứ, đều biết tôi là một trong hai người của xứ đạo vừa thi đậu tú tài đôi (thi xong lớp 12). Còn phần tôi, đạo đức có là bao, tôi chỉ là một huynh trưởng thiếu nhi, vừa dự xong khóa xứ đòan trưởng do địa phận Xuân Lộc tổ chức tại nhà dòng Mến Thánh Giá Hố Nai. Trí óc tôi còn qúa nông cạn để hiểu được thế nào tổ chức của hội Legio Maria. Một tổ chức mà sau này tôi mới thấu hiểu được sự lợi ích về phần hồn, lẫn phần xác cho mọi hội viên, cho những người được hội viên thăm viếng cùng cầu nguyện cho họ, và cho giáo xứ. Họ là cánh tay đắc lực giúp cho cha xứ trong việc truyền giáo. Vì họ luôn vâng phục đấng bản quyền. Chính vì thế mà hai chữ: “Xin Vâng” luôn có trên môi của người Legio. Tiếng xưng hô: Anh, chị, em của người Legio, đã nói nên tinh thần của những người chiến binh con cùng một cha, và cùng chiến đấu với kẻ thù ma quỉ dưới bóng cờ của Trinh Nữ Maria.
Thế rồi thời gian tập sự của tôi đã trải qua với những buổi họp đều đặn hàng tuần. Thú thật với mọi người, tôi có lẽ vì nhiều lý do mà tôi siêng năng đi họp. Tuổi trẻ cơ mà, ai lại chẳng biết vì chữ “yêu”. Vâng chính vì chữ yêu ấy mà tôi trở thành hội viên chính thức của đơn vị. Tôi yêu mến Mẹ Maria thực sự đã từ lâu, từ khi tôi biết lần hạt chuỗi Mân Côi khi con bé tí, nhưng tôi phải đợi đến ngày ấy tôi mới thấy mình được thật gần gũi với mẹ qua câu nói:
-       Lạy Nữ Vương là mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ, và mọi sự của con là của Mẹ.
Tôi say đắm ngắm nhìn Mẹ qua tượng Đức Mẹ ban ơn đặt ở giữa phòng họp. Tôi khen người tạc tượng qúa khéo tay, khiến mọi người cảm thấy bức tượng như có hồn giống như Mẹ Maria đang ở trong phòng họp với mọi hội viên. Tôi yêu tiếng gọi của các hội viên bằng tiếng “Anh, chị, em”. Tiếng xưng hô ấy, đã khiến chúng tôi trở nên gần gũi, thân thiết và kính trọng nhau hơn, không phân biệt tuổi tác. Và sau cùng trong cái chữ yêu ấy, tôi đoan chắc mọi người biết lý do tôi yêu ai rồi, xin được phép giữ bí mật, để sau này nếu có dịp tôi sẽ bật mí nhé!

Đời hoạt động tông đồ
Chẳng bao lâu, sau khi tôi được theo chân các anh chị đi làm những công tác thăm viếng gia đình người ốm, kẻ liệt, những người bệnh tật lâu năm, viện dưỡng lão. Tôi được gởi đi tham dự các khóa huấn luyện ủy viên về tu đức bao gồm 12 nhân đức của Đức mẹ, gương sống đạo của các thánh, tận hiến cho Mẹ Maria. Đọc kinh Nhật tụng. Tôi cũng được học tập về nghệ thuật lãnh đạo, về cách thu phục nhân tâm, về cách tìm và phân công tác cho hội viên, về cách nghiên cứu thủ bản, cách ban huấn dụ khi cha linh hướng không thể đến dự phiên họp.  
Thế rồi, tôi được cử làm công tác mới. Công tác thành lập đội thiếu niên Legio Maria. Thời ấy, giáo xứ có một số đông thiếu niên ở ngoài đoàn thể Thiếu Nhi Thánh Thể. Các anh chị trưởng thành xin cha xứ cho thành lập 2 đội thiếu niên, gồm 1 đội Nam và 1 đội nữ.
Một chị nhận ra làm trưởng để nhóm họp các em nữ. Tôi được cắt đặt làm trưởng của tiểu đội của các em nam. Các khóa học về lãnh đạo mà tôi đã được hướng dẫn ở các khoá huấn luyện, tôi tưởng là dễ dàng áp dụng vào thực tế. Nhưng thật sự là khó khăn, khi tôi phải tìm ra cho chính mình những cộng tác viên, những ủy viên bé nhỏ của tôi, và  có cùng một chí hướng thực sự. Tôi cầu nguyện và đặt hết tin tưởng vào Mẹ Maria, và vào ơn Đức Chúa Thánh Thần. Cuối cùng tôi đã thành công. Giáo xứ có thêm 2 tiểu đội thiếu niên hoạt động tông đồ giáo dân một cách hăng say. Công tác nổi bật của đội nam là mở lớp dạy học cho các em gia đình nghèo, không thể gởi con đi học vì phải bận phụ cha mẹ làm việc ở ngoài ruộng đồng, đa số là các con em ở xóm ruộng. Vì theo quan niệm ngày xưa cho rằng con gái không cần biết chữ, chỉ giỏi làm việc nhà, việc đồng áng là được rồi. Công tác thứ đến là thăm viếng, giúp đỡ các cụ già không thân nhân ở viện dưỡng lão trong các việc như bổ củi, nấu cơm, giặt giũ quần áo, hay tắm rửa cho các cụ ốm liệt , nằm chờ chết. Công tác rủ nhau đi thăm viếng gia đình và mời gọi các em đi dự lễ, chầu Thánh Thể, và đọc kinh Tôn Vương. Ngòai công tác, hàng tuần chúng tôi có tổ chức sinh hoạt thể thao: hội họa, đá bóng, bơi lội. Sau hai năm hoạt động, các em đã bước vào tuổi trưởng thành. Tôi đành gĩa từ các anh chị em, để ở hẳn trên Sài Gòn học. Thời ấy, sinh viên chúng tôi nếu bị rớt là phải gia nhập quân đội ngay. Trong thời buổi chiến trận, ngày càng xảy ra dữ dội, mỗi ngày một nhiều hơn. Tôi cũng sợ vì bị chi phối quá nhiều giờ cho việc sinh hoạt đòan thể, mà lỡ có bề nào thi trượt thì đành bị mang họa vào thân. Ngày ấy xứ tôi trai tráng nào còn mấy ai ở tuổi chúng tôi mà chưa phải đi lính.
Tôi trọ học ở Thị Nghè, nhà mướn là do một người bạn học cùng lớp tìm mướn giúp cho. Tôi đi lễ nhà thờ xứ Hiển Linh, phía gần trại lính Thuỷ Quân Lục Chiến. Cũng nhờ tinh thần Legio, khi tham dự đọc kinh Tôn Vương, tôi quen được một số các ông trùm họ đạo. Chính họ đã giới thiệu tôi với cha xứ, và cha đã cho tôi trọ tạm trong một chiếc thùng container bằng sắt chở hàng, rộng 2 mét, dài 3 mét, cao 2 mét. Ai có vào phía trong chợ Thị Nghè, lối đi vào trại lính Cửu Long lúc ấy, thì đều biết là con đường ấy rất chật hẹp. Nó thuộc về khu gia binh, xóm lao động nghèo nàn. Hầu hết là người miền Nam hay người Bắc di cư từ năm 1945. Trong thời  ở trọ học tại đây, có một kỷ niệm làm tôi khó quên. Đó là một công tác thăm viếng và chôn xác kẻ chết. Kẻ chết trong xứ đạo là một cụ già không thân nhân, không họ hàng. Hôm ấy sau khi đi học về. Tôi được ông trùm Thường cho hay, có một cụ già ăn xin ở trong xóm nhà sàn, gần mé sông. Ông ta đã ốm nằm liệt giường mấy hôm, không thân nhân, họ hàng thăm nom. Máu tông đồ đã khiến tôi động lòng trắc ẩn, tình nguyện đến  thăm, và giúp đỡ ông. Tôi đến trước cửa gian buồng của ông, thì đã nghe mùi xú uế sực bay vào lỗ mũi một cách nồng nàn. Gọi là gian buồng vì nó chỉ dài rộng độ 2.5 mét. Bên trong có kê một chiếc phản làm bằng những thanh gỡ mà cũ nhặt được. Tôi can đảm bước vào căn buồng để thực hiện công tác phục vụ, vì ngoài tôi ra con có Chúa Thánh Thần, và có Mẹ Maria. Tôi tự giới thiệu mình cho cụ nghe và nói nguyên nhân nào tôi biết cụ ốm và đến thăm. Cũng nhờ những công việc tắm rửa cho các cụ già từ viện dưỡng lão ngày xưa mà các anh chị Legio đã làm gương cho tôi thấy, nên tôi ngỏ ý giúp cụ già làm vệ sinh cá nhân cho cụ. Hôm ấy cụ hãy còn tỉnh táo, nhưng không còn tự mình xoay đổi vị trí được nữa. Trên cái ghế đơn cũ kỹ có một cái chén nhỏ đựng ít cháo lỏng với cái thìa cũ kỹ, hình như của người hàng xóm tốt bụng nào đó chia sẻ cho cụ. Tôi đút cho cụ ăn hết được chén cháo. Tôi xin phép ra về và hẹn ngày hôm sau đến thăm cụ nữa. Cả cái xóm nhà sàn trên bờ con rach này, người dân lao động, sống chật chội và thiếu thốn đủ mọi phương tiện. Ngày hôm sau tôi đến thăm. Cụ già ăn xin vẫn nằm trên chiếc phản gỗ, nhưng cụ tỉnh táo hơn vì cơn sốt đã hết. Sau khi giúp cụ làm vệ sinh cá nhân, tôi bắt đầu trò chuyện, hỏi thăm về qúa khứ đời cụ. Qua hơi tở mệt nhọc, và thều thào. Tôi lắng nghe tiếng được tiếng mất về đời cụ như sau. Cụ di cư từ Bắc vào nam từ thời 1945, có đạo, nhưng đã từ lâu cụ không còn đi lễ nhà thờ, có lẽ từ ngày vào Nam. Sống tha phương cầu thực, và lâm cảnh cơ hàn đành ăn xin khất thực. Vì sự mệt nhọc nên tôi khuyên cụ nghỉ để ngày mai kể tiếp. Tôi khuyên cụ hãy giục lòng ăn năn, xám hối, và tôi bắt đầu lần chuỗi Mân Côi. Cụ cũng cố gắng đọc kinh theo. Tôi hỏi ý cụ có muốn gặp cha để được chịu các phép Bí Tích hay không. Cụ gật đầu. Tôi sung sướng qúa sức vì như người lính khám phá ra được một kho tàng vô giá. Sau khi ra về tôi đi gặp cha xứ ngay, để trình bày tình trạng của cụ, và xin ngài đến giúp xức dầu cho cụ. Cha xứ nhiệt tình lắm. Ngài theo bước chân tôi đến khu nhà sàn cùng với ông trùm Thường. Tiếc thay khi đến nơi thì cụ chỉ còn thở thoi thóp, mắt nhắm lại, tôi cố banh mắt của cụ lên, nhưng đôi mắt lờ đờ như đã thất hồn. Cha xứ hỏi tôi tên thánh cụ là gì. Đến lúc này, tôi mới giật mình vì tôi đâu có thì giờ hỏi tên thánh của cụ là gì. Tôi xin cha đặt lại tên thánh cho cụ là Giuse. Sau khi cha xứ làm phép Bí Tích Xức Dầu cho cụ, thì cụ già ăn xin ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Ông trùm Thường lo việc quyên góp mai táng cho cụ. Hôm đi đưa xác cụ, đi theo ngay sau quan tài là tôi, có lẽ hàng xóm nghĩ rằng tôi là người thân duy nhất của cụ. Chẳng có ai thèm để ý, vì họ cũng sống nghèo nàn cùng với số phận như cụ, và biết đâu ngày mai lại tới phiên họ. Sống mà khổ như thế thì chết có lẽ họ cho là cách thoát khổ. Tôi thật sự chua xót cho thân phận con dân đất Việt, vì vào thời gian ấy 1971, mà còn biết bao nhiêu người sống nghèo khổ. Nơi họ sống chỉ cách đô thị, phố xá không bao xa. Nghĩa địa của giáo xứ là vùng đất sình lày. Những người đi chôn xác cụ phải đứng lên trên quan tài cho nó chìm xuống nước để kẻ khác lấp đất xuống cho đầy. Tôi ra về với nỗi buồn vô tận, nhưng lòng đầy hân hoan vì tôi vừa làm xong một công tác tông đồ, khi sống nơi xứ lạ tại Sài Gòn.

Chiếc vòng tận hiến
Tôi đã nhiều lần gom góp tài sản để đi vượt biên, thế nhưng cứ bị lừa, bị hụt hoài. Trong đó có một lần vượt biên làm tôi tưởng nhớ đến chiếc vòng tận hiến. Chị họ của tôi lo cho 3 chú cháu tôi đi vượt biên ở Bến Đá, tỉnh Vũng Tầu. Chiếc tàu nhỏ chở chúng tôi ra khơi được hơn 15 phút. Bỗng tiếng chửi thề của người tài công
vang lên, tiếng máy tầu đang gầm như lướt sóng bổng đột nhiên nhỏ lại. Tôi nghe rõ tiếng anh ta nói: “Không có vợ con tao trên tầu thì dù bị bắt tao cũng quay thuyền về”. Tiếng cãi vã càng lúc càng to và chiếc tầu quay ngược hướng để rồi tắp và phía Bãi Dâu. Lúc ấy cũng là lúc mà giáo dân đi lễ sáng. Tôi chạy thẳng lên bờ và chạy đại về phía nhà giáo dân. Chú cháu tôi mỗi người một hướng. Tôi may mắn gặp được một người con gái đi lễ, cô ta dắt tôi về nhà và bà mẹ đồng ý cho tôi trốn dưới hầm. Đợi hơn một tiếng đồng hồ không thấy động tĩnh gì. Họ tìm đường dẫn tôi đến bến xe đò cách an toàn. Trước lúc chia tay. Tôi cảm động về ơn cứu thoát ấy, nên tôi đã tặng người con gái ấy chiếc vòng tận hiến mà tôi đã đeo nó tự bao lâu nay, dù nó chỉ là bằng đồng nhưng đối với tôi nó là vô giá và là cả một tài sản lớn lao của đời tôi. Không biết người ấy bây giờ mỗi lần nhìn chiếc vòng ấy có còn nhớ đến tôi không.

Đời tha phương nơi đất Úc
Đã gọi là lính thì đâu cũng là nhà. Ở nơi đâu cũng phải chiến đấu với chính bản thân và kẻ thù là ma qủy. Chức vụ càng cao thì sự cám dỗ của ma qủy càng nhiều. Chỉ cần một giây thôi, nếu bạn không trông cậy vào Mẹ Maria và nhờ ơn Chúa gíup, thì bạn sẽ bị rơi vào những cạm bẫy vô hình, những cám dỗ ngọt ngào của kẻ thù. Hậu qủa là bạn sống trong sự bình an tạm bợ của thế gian, của phú quí, vinh hoa mà ma qủi hứa ban. Bạn đã trở thành một bại tướng. Đó là nhục nhã lớn nhất của đời làm lính của Mẹ Maria. Chính vì suy nghĩ như thế, cho nên khi đặt được chân nên đất liền tôi liền tìm cách liên lạc với những chiến sĩ của Mẹ Maria. Qua Cha Bùi Đức Tiến, lúc ấy đang chăm sóc cho giáo dân cộng đòan thánh Vinh Sơn Liêm. Tôi đã gặp được các anh Khích, Thống, các cụ như hai ông bà cụ Phóng, cụ Lượng, bà cụ Ích, cụ Hiên, cụ Đông, cụ Năng, cụ Vy, và sau này thì số hội viên trưởng thành tăng dần đến nỗi phía chia ra nhiều đơn vị. Hội viên đông như sao trên trời và cá dưới biển. Tôi vẫn thầm ước mong và cầu nguyện cho số hội viên của Legio Mariae ngày được đông như thế.
Tô phở đầu tiên, tôi được anh Khích trưởng đơn vị Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu, mời về nhà ăn sau phiên họp làm tôi nhớ mãi, và thèm cái hương vị ấy cả đời tôi. Dù thiếu thốn rau thơm, nhưng có được tô phở vào năm 1984 thời ấy, tôi cho là ngon tuyệt và vô giá. Cám ơn các anh chị thật nhiều và trong lời cầu nguyện của tôi vẫn luôn có các anh chị, dù là nay đã có nhiều anh chị đang ở trên nước Thiên Chúa mến yêu. Thầy Liêm ngày ấy còn giúp cha Huỳnh San ở vùng Collingwood. Đã hăng say với lòng mến Mẹ Maria. Bây giờ là cha Liêm đang ở Queenland. Cũng chính nhờ ngài mà Legio Maria được kết hợp với anh chị em tòan quốc vào các ngày lễ hội hàng năm. Các khóa tĩnh tâm, sinh hoạt cho mọi lứa tuổi được tổ chức hàng năm. Các uỷ viên đi tham dự buổi họp với Senatus Melbourne hàng tháng. Các cha coi sóc cộng đòan thời ấy như cha Bùi Đức Tiến, cha Huỳnh San, và cha Thụ (Adelaide) ủng hộ hết mình. Chính vì thế mà ngày nay số hội viên hoạt động đã lên tới bậc Comittium.

Tôi chuyển về hậu cứ
Trong Legio Maria. Hội viên được chia làm hai lọai hạng làm công tác tông đồ. Hạng hoạt động. Các hội viên sống thánh hóa bản thân,  sống luôn kết hợp với Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần, sống phó thác cho Chúa qua Mẹ Maria, và để đem Tin mừng cho muôn dân. Vì là hoạt động, nên hội viên thường thưc hiện 2 giờ công tác tông đồ thiết thực hàng tuần, họ hội họp nhau vào một ngày nhất địng trong tuần để cùng cầu nguyện và báo cáo tình hình công tác đã lãnh nhận về những khó khăn hay thành công mà họ gặp phải. Tất cả những gì nghe biết trong phiên họp, đều phải được giữ bí mật một cách hoàn tòan. Còn hạng hội viên tán trợ cũng được hưởng mọi ơn ích như hội viên hoạt động, nưng vì hòan cảnh họ sẽ chỉ nhóm họp một tháng một lần để nghe những báo cáo về thành qủa mà các hội viên hoạt động đã đạt được do sự cầu nguyện của hội viên tán trợ.
Tôi xin trở thành hội viên Tán trợ của đơn vị Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu từ tháng 4 năm 1990. Vì phải đi học và lo cho gia đình vùa mới đoàn tụ. Tôi chọn ngành Y-Tế, vì nó giúp tôi có điều kiện tiếp xúc với bệnh nhân gần gũi hơn, và hơn nữa tôi có cơ hội phục vụ Chúa trong những người đang cần đến lòng thương xót của Chúa qua môi trường bệnh viện. Thấm thoát thế mà đã 20 năm xa cách. Có nhiều anh chị bảo tôi sao không trở về đời hoạt động. tôi chỉ mỉm cười vì đời tôi vẫn chưa có chỗ nhất định để dừng chân. Mới sống ở Melbourne 25 năm tưởng như là tôi sẽ định cư vĩnh viễn, thế mà giờ này tôi lại sống ở Tasmania đã hơn 1năm rồi. Thế nhưng, dù là tôi ở bất cứ phương trời nào, thì tôi muôn đời vẫn là người Legio. Thủ bản đã in sâu đậm từng trang vào trong trí óc của tôi, từ thời thanh niên đang đứng ở giữa ngã ba đường đời. Trong cuộc chiến đấu với chính bản thân của tôi, hay của thế gian, ma qủy. Tôi cũng đã nhiều lần chiến bại, mình mẩy mang nhiều thương tích, nhưng tôi vẫn là người lính Legio Mariae. Tôi vẫn luôn đứng dưới bóng cờ của nữ Vương để phục vụ Thiên Chúa qua anh em. Tôi muôn đời là người lính của Legio Mariae.

Ước mơ được hội họp trên nước mến yêu
Sau hơn 40 mươi năm gia nhập vào hàng ngũ làm quân binh của Mẹ Maria. Tôi không thể nào viết hết những kỷ niệm của đời Legio qua vài trang của cuốn Kỷ Yếu nhân mừng 27 năm thành lập Legio Mariae của Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Vinh Sơn Liêm. Xin hẹn găp lại anh chị em khi có dịp khác nhé! Tôi bây giờ chẳng ước muốn gì hơn, dù tôi còn nhiều yếu đuối và tội lỗi. Chỉ xin quý anh chị em hội viên trên tòan thế giới cầu nguyện cho tôi, cũng như tôi đang góp lời cầu nguyện xin Thiên Chúa cùng với mọi người. Xin Chúa nhân lành cùng Mẹ Maria che chở tôi trong giờ sau hết, để tôi được hội họp với các anh em Legio Mariae trên nước mến yêu, nước vinh hiển Chúa. Amen.

Thụy Miên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét