Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

22/5/15. Dư âm Đại hội Thánh Mẫu La Vang TGP Melbourne kỳ II.



Xin kể về đêm diễn nguyện kỷ niệm 40 năm định cư của Người Việt trên đất Úc. Chủ đề: Cùng Mẹ La Vang đồng hành cùng Dân tộc Việt.

Trên sàn diễn


Đức cha Nguyễn Văn Long đã kể lại là Ngài được nghe nhiều người khen đêm văn nghệ hay hơn Paris By Night (?) Điều này thì không ai đem so sánh được, vì với phần âm thanh, ánh sáng của anh chị Bằng Quyên, thêm cái màn hình làm phông kể như rất xứng tầm đóng góp của toàn thể cộng đồng.
Chuẩn bị lên sân khấu

Các đoàn thể, Thanh Thiếu niên Công giáo, Thiếu Nhi Thánh Thể, Thanh Thiếu niên Salesien đã tập luyện và đóng góp nhiều tiết mục sinh hoạt thật tuyệt vời cho đại hội và để lại trong cộng đồng nhiều kỷ niệm sâu đậm.
Hóa trang cho nhau

Trước giờ khai mạc phần văn nghệ kỷ niệm 40 năm định cư trên Nước Úc. Mõ tôi đến bên đoàn diễn viên đông đảo, diễn viên già nhất mà bà Hóa giới thiệu là bà cố trên 90 tuổi, còn diễn viên nhỏ nhất có lẽ là các cháu do cô Suy Phạm bồng ẵm và dắt theo. Họ chuẩn bị bước lên sân khấu để đóng lại cảnh di cư Năm 1954. Như vậy là mốc điểm lịch sử quê hương được kéo về hơn 60 năm trước. Nhìn toàn người quen, tôi nhập ngay vai tuyên truyền láo khoét của họ nhà Vẹm mà tạo sự chú ý của mọi người:

Quốc cộng hai bên

“Này này bà con ơi, nước nhà độc lập rồi, đừng nghe tuyên truyền mà bỏ nhà cửa, tài sản, mồ mả tổ tiên, ruộng vườn ra đi. Vào trong Nam khổ sở lắm, Tây nó đánh chết rồi nó vùi xác bón cho cây cao su đó. Thôi ở nhà với chính phủ Việt Nam Dân chủ, xây dựng đất nước.” Phần này thì không thấy có trong kịch bản.

Di cư vào Nam

Mấy bà, mấy cô mặc áo nâu non, vấn tóc rồi chít khăn mỏ quạ, cả mấy cô mấy bà các Dân tộc Thái, Mèo, Thổ từ vùng cao xuống. Nghe Mõ tôi nói thế họ đều phì cười và nói tôi chụp cho họ tấm hình. Họ tay xách, nách mang chút gia tài còm cõi để chuẩn bị trốn vào miền Nam khi Hiệp định Geneve chia đôi đất nước Năm 1954 được ký kết! Trông họ cũng lạ mà có phải ai khác đâu, này Kim Anh, Suy Phạm, cô Quế, có cả Cha Quảng Chủ nhiệm Báo Dân Chúa Úc châu tham gia. (Phong trào Cursillo)

Mẹ ơi đoái thương xem Nước Việt Nam

Nhìn họ diễn lại cảnh cũ mà lúc đó, kẻ viết bài này cũng còn nhỏ xíu, nhưng có tham dự trong cuộc di cư lịch sử vĩ đại đó. Hình ảnh một chú nhỏ quần “đùi”, áo “cộc cánh” vai vác theo cái chiếu cói mà hai đầu chiếu còn chạm đất! Mõ tôi theo đoàn người di cư xuống Hải Phòng để lên tầu “há mồm” vào Nam tìm tự do của ngày nào lại hiện về.  Chợt trong đầu như xuất hiện bài hát của Nhạc sỹ Phạm Duy, ông đã diễn tả lại đầy đủ lòng người dân Việt di cư tìm tự do, vì họ không thể theo và sống với Cộng Sản, bài hát thể hiện nội dung của chủ đề đêm văn nghệ:
Chụp hình trước giờ diễn
Đủ các sắc tộc Kinh, Thái, Mường, Mán
Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa
Chốn đã chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời
Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời
Một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi
Một ngày năm bốn, cha bỏ Sơn Tây
Dắt díu con thơ, vô sống nơi Biên Hòa
Dù là xa đó, vẫn là quê nhà
Và miền nắng soi vui gia đình ta!

Một ngày bảy lăm, con bỏ nước ra đi
Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ
Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta
Và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ!
Một ngày năm bốn, cha lùi quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày bảy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương!

Một ngày năm bốn, xa mộ ông cha
Với lũy tre xanh, khóm chuối bên sau nhà
Một ngày năm bốn, cha phải chia lìa
Cùng mảnh đất, nóc gia cha làm ra
Một ngày năm bốn, ôi Thành Đô ơi!
Tiễn bước cha đi, vẫn giữ tên muôn đời
Hà Nội yêu quý không thể ngăn người
Vì người đã ra đi theo Tự Do

Một ngày bảy lăm, con bỏ hết giang sơn
Hai mươi năm tình, yêu người yêu cuộc sống!
Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui
Sài-gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người
Một ngày dĩ vãng, ôi gần hay xa!
Đất nước hai phen chứng kiến bao chia lìa
Đời của cha con: hai lần vẫy chào
Chào từ giã quê hương trong khổ đau
Đời hai lần ta bỏ quê bỏ nước
Phải nuôi ngày sau về ôm Tổ Quốc.

Các diễn viên tuy không xuất thân ở một trường kịch nghệ nào cả, nhưng diễn xuất thì thật tuyệt vời, vì họ chỉ sống lại họ trong bối cảnh ngày đó. Nhiều vị lớn tuổi đi dự đại hội, dù trời chiều se lạnh đã không bỏ về, vì chưa được dự phần xem văn nghệ buổi tối. Các cụ đã cố ngồi lại để coi và tìm lại hình ảnh mình ngày xưa và họ đã khóc!

Các cụ gìa đi dự đại hội

Đêm văn nghệ không chỉ dừng lại ở hình ảnh cuộc di cư, mà các anh chị em trong liên ca đoàn đã tiếp nối với các phần nhạc cảnh, phần này nối tiếp phần kia. Nên tiếp nối cuộc di cư là thời kỳ thanh bình ở miền Nam Việt Nam, khi Cộng Sản miền Bắc chưa thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược và khủng bố, chúng lại xâm lăng vào miền đất tự do còn lại của đất nước, gây chiến để chiếm miền Nam cho Tầu và Liên Xô (như lời tuyên bố của Lê Duẫn).

Chị em thiểu số

Ba cô gái nhí nhảnh xuất hiện trong ca khúc “Sài Gòn đẹp lắm” của Nhạc sỹ Y Vân nói lên niềm vui được sống ở miền Nam thanh bình, rồi “Đà Lạt mộng mơ” được các anh chị “đèo” nhau trên những chiếc xe đạp trên phố, ôi mới đẹp làm sao những tà áo dài nhẹ bay trong gió.
Sài Gòn đẹp lắm

Cho đến khi đất nước gặp thời ly loạn, các chàng trai lên đường nhập ngũ, những bài: “Chúng mình ba đứa”, “Tình thư của lính” cho đến khi cuộc chiến khốc liệt hơn với tiếng hát của Thanh Huyền vật vã cùng bài: “Đi nhận xác chồng!” với tiếng súng nổ, tiếng đạn pháo kích của Cộng nô. Và biến cố 30/04/1975 đến, chấm dứt 20 năm của miền Nam sống trong tự do. 
Ngày mai đi nhận xác chồng "Thanh Huyền"
Buôn thúng bán bưng "chị Quang"

Nhạc cảnh khổ đau sống trong chế độ Cộng Sản bắt đầu do các anh chị Legio Mariae thực hiện, cảnh bắt bớ, vu khống người vô tội, cảnh ngăn sông, cấm chợ, cảnh cấm các sinh hoạt tôn giáo, cướp bóc trắng trợn các cơ sở tôn giáo, cảnh hà khắc
Bán bánh bò "anh Thi"

Tống Thị Quế và Kim Anh

“Đêm chôn dầu vượt biển” thật não nề để nhạc cảnh “Hành trình vượt biên” do Cộng đoàn St. Margaret Mary và Gioan Hoan trình diễn lại cảnh hãi hùng của bão tố, của cướp biển. Trong thân phận nhỏ bé của con người, ai cũng ngửa trông với lời hát “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng..”
Vượt biên

Nhạc cảnh tiếp theo là “Đời sống tại Trại Tỵ Nạn” do Cộng đoàn Our Lady Sunshine thực hiện với các diễn viên hầu hết là “Thuyền nhân” cho nên họ chỉ sống lại chứ không cần đóng gì cũng đã rất đạt.

Rồi khi đã định cư, thì những “Bi hài kịch” cuộc sống nơi xứ người do liên ca đoàn phụ trách, đã làm sống lại cảnh ngày đầu khi mới nhập cư, vất vả đủ thứ để lo cho gia đình, con cái đi học và cả những bổn phận với gia đình bên quê nhà.

Cho đến khi con cái học hành ra trường, hội nhập hoàn toàn vào với xã hội mới và thành đạt làm cho cha mẹ vui niềm vui hãnh diện quên đi những vất vả, khó khăn ban đầu. Tất cả đều hướng về Chúa và Mẹ Maria với lòng biết ơn vô hạn. Nhạc cảnh do Thanh niên Công giáo trình diễn.
Liên ca đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Melbourne.

Kết thúc chương trình, Liên Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trình bày hợp ca bài: Bước chân Việt Nam nghe thật đạt, Những lời hát:

Grand merci la France, pour vos bras ouverts
Thanks Australia, for your open hearts
Thank you Canada, for the liberty
Thanks America, for your open arms
We, thank the world, for its true freedom
We thank the world, we thank the world
Thank you, we thank you all

Thật cảm động, nói lên sự biết ơn về sự mở rộng vòng tay của các nước tự do đón nhận người Việt tỵ nạn, khiến mọi người chưa vội ra về, dù cho đường xa và trời đã trở lạnh.

Một hành trình hơn 60 năm đã được các cộng đoàn, đoàn thể gom lại trong 2 giờ đồng hồ, nhưng đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa. Tôi không thể tả hết được, nên chỉ biết viết lời cám ơn đến tất cả mọi người đã bỏ công lao luyện tập để trình diễn cho cộng đồng có được một bữa ăn tinh thần thật thịnh soạn ngoài sự mong đợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét